Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Thu về bên tách trà thơm

Thu về bên tách trà thơm

Thu rồi, Hà Nội những ngày này dịu trong như nước. Tạm cất đi sự nồng nàn cuồng nhiệt của ly rượu ngon, khoan mê mải cùng sự bay bổng rồ dại của tách cafe nóng, tôi để lòng mình lắng lại trong sự tĩnh tại của những chén trà.

 Thu về, soi lại lòng mình bên tách trà thơm 1
Nếu như rượu là thứ luôn cho tôi ít nhiều sự liều lĩnh, cafe mang đến những nỗi niềm bay bổng, thì trà chính là sự tĩnh lặng tuyệt đối của tâm hồn. Trong veo và ngát xanh như một sớm mùa thu trong trẻo, tách trà thơm ngát là tấm gương thanh sạch để ta soi lại lòng mình. Trà không đem đến một giá trị ngoại lai, nó là chính là dư vị tâm hồn thuần khiết nhất của mỗi con người.
Mọi người thường hay quen với cụm từ “bạn rượu”, “bạn nhậu”, nhưng tôi vẫn thích nhất hai từ “bạn trà”. Có lẽ, chỉ với trà, con người ta mới thật sự cần có một tri âm chăng. Dẫu rằng trong các quán trà cũng luôn có ấm độc ẩm cho một người, nhưng trà rót ra một chén sao cứ thấy tr


Những dòng chảy xuôi ngược của cuộc đời bỗng chốc như dòng trà xanh ngát lặng lẽ tuôn ra từ vòi ấm thô mộc đơn sơ, đọng lại trong veo trong chiếc chén men rạn bé bỏng



Đôi khi, yêu lắm những người bạn của tôi, dù chẳng mê trà nhiều vẫn bằng lòng cùng tôi uống một ấm đối ẩm trong quán nhỏ bình yên và lặng lẽ. Tôi chẳng sành trà lắm như những bậc cao nhân thuở xưa, thích trà vì tính cách của nó nhiều hơn là hương vị.
Nên đôi khi, một “bạn trà”, chỉ đơn thuần là người chịu náu mình cùng tôi trong góc trà nhỏ bình yên trốn mùi vị chao chát, ồn ã của cuộc đời.
Đâu phải ngẫu nhiên mà thứ đồ uống này lại mang trong mình hương vị thanh cao khiết trinh đến vậy. Khởi nguồn từ đất trồng, khí núi, nắng mưa, sương gió rồi ươm bật thành lộc non, lá nõn, đến khi được hái, sao, pha chế thành ấm trà ngon. Đó là cả một hành trình dài mê mải mà mỗi chặng, mỗi bước đều phải đạt đến trình độ nghệ thuật mới cho ra được một chén trà ngon viên mãn.
Mỗi khi bưng một tách trà trong veo đượm một màu lá biếc pha lẫn nắng vàng trong lòng bàn tay, tôi lại mơ màng nghĩ đến những đồi chè trùng điệp xanh gối lên nhau, những ngón tay thiếu nữ đồng trinh thon dài khẽ bấm vào từng đọt non xanh còn e ấp nhựa. Trà là thức uống tinh tế nhất trong tất cả những thức uống ở cõi nhân sinh này, và có lẽ chính bởi sự tinh tế ấy, nó là thứ gần với tâm hồn ta nhất.
Tôi vẫn nghĩ rằng, người ta chẳng uống được trà khi tâm hồn đầy rẫy những sự bon chen cùng lo âu, nghi ngại. Khi chầm chậm xoay chén trà nhỏ xíu đượm hương trong tay mình, tôi chẳng tìm một sự “đồng lõa” cho bất kỳ ý nghĩ điên cuồng nào, chỉ đơn giản muốn soi lại lòng tôi, thật chậm, thật yên. Hương trà thanh thế, màu trà trong thế, đâu có hợp với những tính toán vụn vặt, nhỏ nhen.

 
Có người như tôi, thích uống rượu một mình. Có người lại thích rượu trong không gian náo nhiệt. Nhưng chỉ với trà, dù là ai cũng cần phải uống trong tĩnh lặng. Không gian trầm mặc tự toát ra từ ấm trà thơm hương dễ đưa người thưởng thức vào mặc tưởng.
Bởi vậy, khi nâng chén trà trong tay, hãy bỏ hết xuống những phiền muộn của đời. Chỉ trong khoảnh khắc thôi, hãy để tâm hồn mình được thảnh thơi và yên lặng. Ai ở đời cũng thích sự rõ ràng. Nhưng đôi khi, sự yên lặng mới là giải thoát cho mọi việc. Chén trà thơm dạy cho tôi biết sự yên lặng giản đơn nhiều khi cao quý hơn mọi ngôn từ.
Chẳng thể say trà như rượu, chẳng mơ mộng được như cafe, tách trà như cơn mưa trong lành nhẹ nhàng gột rửa đi mọi bụi bặm, trả lại cho tâm hồn sự trong lành như vốn có. Sự yên lặng của trà cũng giống như một cơn mưa vậy, nhẹ nhàng, dầm dãi mà thấm đượm rất lâu.
Ngày hôm nay, mùa thu Hà Nội thoắt nắng thoắt mưa như một cô gái kiêu kỳ đỏng đảnh, tôi trốn trong một góc quán quen, tự rót cho mình một tách trà và…yên lặng.
Những dòng chảy xuôi ngược của cuộc đời bỗng chốc như dòng trà xanh ngát lặng lẽ tuôn ra từ vòi ấm thô mộc đơn sơ, đọng lại trong veo trong chiếc chén men rạn bé bỏng. Và nụ cười, nước mắt, bỗng chốc cũng hóa thành làn hơi mỏng manh trong suốt tản mác trong không khí ấy thôi.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Phòng trà ca nhạc Hà Nội - chờ được đánh thức

Phòng trà ca nhạc Hà Nội: Chờ được đánh thức

Phòng trà ca nhạc Hà Nội: Chờ được đánh thức

KTĐT - Thời gian gần đây, hàng loạt phòng trà ca nhạc ở Hà Nội nối đuôi nhau dừng hoạt động. Dù các ông chủ phòng trà đã bày ra đủ các "chiêu" hút khách nhưng người Hà Nội vẫn không mặn mà với không gian âm nhạc này.

Đồng loạt đổ bể
Hơn 10 năm trước, thành công của phòng trà Aladin (ngõ Hàng Bột) là tín hiệu vui cho mô hình phòng trà ca nhạc tại Hà Nội. Không gian nhỏ với khoảng 100 chỗ ngồi của Aladin - tâm huyết của NSND Thanh Hoa - lúc nào cũng chật kín khán giả. Gần 10 năm, người Hà Nội cùng khách du lịch đã tìm đến Aladin như là địa chỉ của những người yêu nhạc đỏ. Tuy nhiên, khi NSND Thanh Hoa "thừa thắng xông lên" mở thêm Aladin II (khách sạn Thắng Lợi) và mở rộng biên độ thưởng thức âm nhạc (gồm nhạc đỏ và nhạc bán cổ điển) thì không gian âm nhạc ấy lại không được như mong đợi. Tồn tại cầm chừng với lượng khán giả có hạn được thêm gần 4 năm, Aladin I và Aladin II đành dừng hoạt động. NSND Thanh Hoa tâm sự: "Khi tôi nâng cấp phòng trà, muốn tạo ra một không gian âm nhạc đích thực thì vấp phải khó khăn. Chất lượng tăng đi kèm giá cả tăng. Tuy nhiên, khán giả đến với phòng trà vừa muốn nghe ca sỹ hạng "sao" hát nhưng vừa muốn trả tiền đồ uống bằng giá của quán cafe bình dân".
Ngoài Thanh Hoa, không ít ca sĩ trẻ ở Hà Nội nuôi ý tưởng mở phòng trà ca nhạc, một mặt là phát triển kinh doanh, mặt khác vì mong muốn tạo được không khí hoạt động âm nhạc sôi động như ở Sài Gòn và Đà Nẵng. Năm 2009, ca sỹ Lê Anh Dũng (giải nhất Sao Mai 2007 của dòng nhạc thính phòng) đã cùng một số anh em đầu tư 3 tỷ đồng mở phòng trà Bee Club (số 2B Phạm Ngọc Thạch). Toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng ở sân khấu phòng trà đều đạt tiêu chuẩn "ngoại". Ban đầu, Lê Anh Dũng tham vọng "đỏ đèn" sân khấu phòng trà cả 6 đêm trong tuần. Song, chỉ sau hơn một năm hoạt động, Bee Club đã chật vật bù lỗ. Mặc dù, Lê Anh Dũng đã xây dựng mô hình hoạt động ban ngày là quán cơm văn phòng, tối đến rập rình tiếng nhạc. Tuy nhiên, sau thời gian mệt mỏi tìm đủ cách để duy trì, đến đầu năm 2010, Lê Anh Dũng đã chuyển nhượng cổ phần của mình tại Bee Club.
Cổ đông "thế chỗ" Lê Anh Dũng trong Bee Club cũng là một người giàu tình yêu nghệ thuật. Anh mở chiến dịch quảng bá mới cho Bee Club với mong muốn cứu vớt dự án này. Các giọng ca hàng đầu trong nước và hải ngoại như: Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh… đã được mời đến đây biểu diễn. Song, Bee Club trong diện mạo mới cũng chỉ có khả năng duy trì được nửa năm. Cho đến nay, phòng trà ca nhạc này cũng đã dừng hoạt động.
Bao giờ hết"ngủ đông"?
Ca sĩ Lê Anh Dũng ngậm ngùi nhìn lại những tâm huyết không thành khi thực hiện Bee Club: "Bắt tay vào duy trì hoạt động của Bee Club, tôi mới vỡ ra là kinh doanh phòng trà ca nhạc tại Hà Nội là kinh doanh một mặt hàng bị động. Thời gian làm biên tập âm nhạc cho phòng trà Bee Club, tôi luôn ở trong trạng thái chai mặt. Không biết bao nhiêu lần tôi gọi điện nhờ vả, nói ngon nói ngọt với các đồng nghiệp kêu gọi ủng hộ phòng trà bằng việc xếp lịch diễn. Nhưng, yêu quý nhau bao nhiêu thì trong công việc không thể nói mãi từ… giúp. Vắng khách, nghệ sỹ nản lòng".
Tuấn Hiệp - ông chủ phòng trà Malaideli (92 Trấn Vũ), thì mang trong mình nỗi khổ khác. Duy trì 2 buổi biểu diễn trong tuần (thứ 5 và thứ 7) với những giọng ca trữ tình lãng mạn của Hà Nội như: Thanh Lam, Tùng Dương, Khánh Linh, Nguyễn Ngọc Anh… nhưng "Không ít lần tôi và những người bạn phải "chữa cháy" chương trình. Với mức trả tối đa là 3 - 5 triệu đồng cho một buổi diễn (trong khi đó một sô diễn của các "ngôi sao" có giá khoảng ngoài 10 triệu đồng, nhiều khi lên đến 50 - 60 triệu), phòng trà không có khả năng ràng buộc nghệ sỹ bằng các hợp đồng. Nói nhẹ nhàng, vui vẻ họ còn đến diễn cho mình, làm gay gắt, phòng trà sẽ không còn "ngôi sao" - Tuấn Hiệp chia sẻ.
Trong khi ở TP. HCM, việc có tên trong lịch diễn của các phòng trà Đồng Dao, Không tên… là cách khẳng định tên tuổi của nghệ sỹ. Vì biểu diễn được ở những nơi đó không chỉ đảm bảo tiền catxe cao và ổn định, mà ca sĩ có cơ hội tiếp xúc với số lượng khán giả lớn. Ngược lại, người Hà Nội vừa khó tính trong gu thưởng thức âm nhạc, lại không có thói quen vừa nghe nhạc vừa uống ly cà phê được coi là đắt đỏ. Bao giờ phòng trà ca nhạc ở Hà Nội hết "ngủ đông"? Câu hỏi chưa thể trả lời khi chưa tìm thấy những anh tài có khả năng đánh thức và thay đổi thói quen thưởng thức nhạc của người Hà Nội.
Thanh Khánh
 (Baomoi.com)